Bảo vệ trẻ trước mùa cao điểm bệnh thủy đậu cần lưu ý gì?

Bảo vệ trẻ trước mùa cao điểm bệnh thủy đậu cần lưu ý gì? - Kidsmove - Thế giới xe của bé

Mùa đông xuân hàng năm, cùng với các dịch bệnh truyền nhiễm khác, dịch bệnh thủy đậu rất dễ gia tăng và lây lan, tuy nhiên nhiều bậc phụ huynh chủ quan, cho rằng thuỷ đậu là một bệnh lành tính nên chưa chủ động cho con đi tiêm ngừa.

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Varicella Zoster gây ra. Bệnh rất dễ lây lan thành dịch. Thủy đậu vốn là một bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và đúng cách có thể khiến mặt bị rỗ và nhiều biến chứng nguy hiểm, bệnh có thể dẫn đến viêm não, rối loạn tâm thần, co giật, thậm chí tử vong.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, nên tiêm văc xin ngừa thủy đậu để phòng bệnh. Tiêm phòng giúp 90% tránh được bệnh, 10% còn lại có thể mắc bệnh nhưng nhẹ hơn và ít nguy cơ biến chứng.

Mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh thủy đậu nếu chưa có miễn dịch, tuy nhiên bệnh hay gặp nhất là ở trẻ dưới 10 tuổi và biểu hiện bệnh nặng cũng thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. 

Trẻ từ 2-7 tuổi – “nạn nhân” phổ biến nhất của bệnh thuỷ đậu

Thủy đậu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người trưởng thành. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra với những đối tượng có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa hoàn thiện. Thống kê của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho thấy 90% số ca nhiễm thủy đậu là trẻ trong độ tuổi từ 2 – 7 tuổi.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị mắc bệnh thủy đậu (Ảnh minh họa)

Điều đáng nói là trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) thường không biết cách thể hiện chính xác những cảm giác đau, khó chịu để bố mẹ hiểu, đồng thời khó kiểm soát các cơn ngứa ngáy do bệnh gây ra. Hậu quả là trẻ thường dùng tay gãi, làm vỡ các mụn nước, tăng nguy cơ để lại sẹo sau này.

Môi trường đông người là những “ổ” bệnh tiềm ẩn

Bệnh lây truyền chủ yếu qua việc tiếp xúc với chất dịch nốt thủy đậu của người bệnh từ da, quần áo, hoặc qua đường hô hấp khi giao tiếp, nói chuyện với người mắc bệnh. Chỉ cần các bé nói chuyện hay chơi cùng bạn bè bị nhiễm thủy đậu khi đi học, khả năng bé bị lây bệnh rất cao. Nguy hiểm hơn, ngay trong thời gian ủ bệnh (khoảng 10-15 ngày), người bệnh không hề hay biết nhưng vẫn có thể âm thầm lây nhiễm cho người khác.

Dịch bệnh thường xảy ra vào mùa đông – xuân, số mắc tăng cao vào giai đoạn từ cuối năm dương lịch cho đến tháng 3, tháng 4 hàng năm. 

Phòng tránh tổn thương và biến chứng của thủy đậu

Triệu chứng chính của bệnh thủy đậu bao gồm khởi phát đột ngột với sốt, người mệt mỏi, chán ăn, đau nhức mình mẩy, sau đó trên da xuất hiện các mụn bóng nước, trong vòng 24 – 48 giờ mụn nước có thể nổi toàn thân. 

Triệu chứng của bệnh thủy đậu (Ảnh minh họa)

Trường hợp người bệnh có sức đề kháng tốt, số mụn nước sẽ nổi ít hơn, tình trạng bệnh ít trầm trọng. Ngược lại, nếu người bệnh có thể trạng không tốt, bị suy giảm miễn dịch, cơ thể suy yếu, số lượng mụn nước có thể tăng lên rất nhiều, dễ nhiễm trùng da và có biến chứng. Những trường hợp biến chứng nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não-màng não rất nguy hiểm.

Có rất nhiều trường hợp trẻ bị thủy đậu nhưng cha mẹ kiêng tắm rửa dẫn đến trẻ bị viêm da, nhiễm trùng để lại nhiều sẹo lõm, các thương tổn trên thân mình, mặt, da đầu, tứ chi rất mất thẩm mỹ. Những thương tổn này tiến triển qua các giai đoạn: vết ban, nốt sần, mụn nước, mụn mủ. Không khéo kiêng cữ, chăm sóc, những vết mụn nước có thể để lại sẹo vĩnh viễn.

Tránh nhiễm trùng là nguyên tắc quan trọng điều trị thủy đậu. Để hạn chế sẹo sau khi bị thủy đậu, trong thời gian trẻ bị bệnh, cha mẹ cần tránh để trẻ gãi các nốt thủy đậu và cắt ngắn móng tay cho trẻ. Trẻ cần được tắm rửa bằng nước sạch nhưng không chà xát mạnh gây vỡ nốt phỏng gây vỡ dịch lan rộng, khiến vi khuẩn bên ngoài dễ dàng xâm nhập gây nhiễm khuẩn và sau này sẽ để lại sẹo lõm.

Tại sao tiêm thuỷ đậu rồi vẫn mắc bệnh

Việc tiêm phòng thủy đậu chỉ giúp 90% tránh được bệnh, 10% còn lại có thể mắc bệnh nhưng nhẹ hơn và ít nguy cơ biến chứng.

Tiêm ngừa bệnh thủy đậu giúp giảm nguy cơ biến chứng (Ảnh minh họa)

Vắc xin thủy đậu cũng giống như các vắc xin khác dù tốt đến đâu thì sau khi tiêm chủng cũng chỉ có khoảng 90% số người được tiêm tạo được miễn dịch bảo vệ phòng bệnh. Và vẫn có một số người dù đã được tiêm chủng nhưng không tạo được miễn dịch bảo vệ do cơ thể không đáp ứng với vắc xin và vẫn có khả năng bị mắc bệnh.

7 cách giúp phòng tránh và hạn chế ảnh hưởng của bệnh thủy đậu

1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

2. Khi mắc thuỷ đậu trẻ cần được nghỉ học từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

3. Để hạn chế sẹo sau khi bị thủy đậu, trong thời gian trẻ bị bệnh, cha mẹ cần tránh để trẻ gãi các nốt thủy đậu và cắt ngắn móng tay cho trẻ.

4. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nhà cửa, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

5. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
Trong đó trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi cần được tiêm 1 liều vắc xin ngừa thủy đậu, thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên cần được tiêm 2 liều (cách nhau ít nhất 6 tuần)

6. Phụ nữ khi có kế hoạch sinh con, nên tiêm vắc xin ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng để phòng bệnh hiệu quả và tránh lây truyền từ mẹ sang con.

7. Xem chi tiết bài “Bệnh thủy đậu và cách trị tại nhà nhanh hết cho trẻ”

RELATED ARTICLES

Để lại nhận xét

Xin lưu ý, bình luận phải được phê duyệt trước khi được đăng